Print this page

Kinh doanh nghề Nail tại Việt Nam

Kinh doanh nghề Nail tại Việt Nam

Trong vài năm trở lại đây, nghề nail phát triển mạnh ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Chỉ ở Sài Gòn thôi đã có hàng trăm cửa hiệu làm móng chuyên nghiệp (chưa kể các thợ làm móng tại các chợ). Phần lớn thợ làm móng ở chợ chỉ làm những bước đơn giản như cắt tỉa, sơn màu, bóng cho móng. Khách hàng thường là tiểu thương trong chợ hoặc những người đi mua hàng tiện thể ghé vào tân trang “cấp tốc” cho bộ móng của mình. Còn lượng khách đến tiệm thường có chủ đích trước và là khách hàng quen thuộc.

Để làm nghề nails tốn bao nhiêu tiền?

Trung bình giá bộ đồ nghề làm nail từ 2.000.000 đến 10.000.000 VNĐ ($127-$635)/bộ tuỳ thiết bị cao cấp hay bình dân. Gồm máy mài móng, cọ, kéo, giũa, kềm, nước sơn, nước sát trùng, nước dưỡng móng… Phần lớn những người thợ làm nghề nails kinh nghiệm đều được truyền từ người nhà hoặc qua học bên Mỹ sau đó về nước mở tiệm riêng và mở các khoá dạy lại cho những người khác. Những người yêu thích nghề nail thường liên hệ Nhà Văn Hoá Phụ Nữ, các beauty salon lớn, các tiệm nails tại quận 1, 3… để học. Một khoá học nghề có giá từ 2.000.000 đến 5.000.000 VNĐ ($127-$317) / khoá (tùy theo yêu cầu của học viên muốn học toàn bộ những bước làm nails hay chỉ học những phần cơ bản, chưa kể tiền thuê mặt bằng mở tiệm). Những người tìm đến học nghề làm móng phần đông là nữ. Nghề nails tại Việt Nam được xem là khá nhẹ nhàng, mang lại lợi tức khá và đang được rất nhiều người theo học.

Một thoáng về cách làm móng của thợ nails tại Việt Nam:

Trong khoảng thời gian khoảng từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, khách hàng sẽ được ngâm rửa vệ sinh và làm mềm móng tay. Tiếp đến là phần chăm sóc và tạo dáng cho móng. Sau đó người thợ dùng kềm, giũa cắt tỉa móng và tạo dáng cho móng. “Muốn tạo móng tròn nên cho đường giũa đi chéo về phía hai bên móng, muốn tạo hình móng vuông thì giũa theo đường thẳng. Nên giũa vừa phải để tạo độ ma sát, nếu giũa nhiều quá sẽ làm móng mỏng và yếu đi”. Chị Phương (một người thợ nail ở Q.1) cho biết. Tùy theo hình dạng của móng tay mà chọn kiểu móng phù hợp. Khách hàng trong nước thường thích các tone màu nhạt còn khách nước ngoài thích tone màu nóng, đậm. Những biểu tượng, hoa văn theo từng mùa hoặc lễ hội luôn được giới trẻ yêu thích.

Chị Xuân Lan, thợ nails 5 năm kinh nghiệm tại quận 3 cho biết về cách làm cho móng mau khô sau khi sơn: “Sơn móng có nhiều chất nhũ sẽ tăng độ sáng bóng làm móng đẹp hơn nhưng lâu khô, nếu dùng miệng thổi cho sơn nhanh khô rất dễ làm cho sơn đóng cục, dồn về một phía”. Chị cho hay các thợ nails hay dùng máy sấy tóc ở mức độ vừa phải cách móng 20cm để móng khô đều và không bị đóng cục. Các bước đeo móng giả và đắp bột thẩm mỹ lên móng là khó khăn và kỳ công nhất. Người thợ phải giũa từng ngón tay để tạo độ ma sát sau đó mới dùng keo Glue chuyên dụng dáng móng giả, bột lên móng thật.

Chị Mai Hân, 6 năm kinh nghiệm tại một tiệm nails khá sang trọng thuộc quận 5 cho biết thêm về kinh nghiệm của chị khi hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc cho móng: Việc chăm sóc móng sau khi đã “tốn bạc trăm” cũng không đơn giản chút nào. Nhất là những người đã gắn móng tay giả, vẽ, đắp bột lên móng. Theo chị không nên để móng tiếp xúc với xà bông giặt, nước rửa chén. Đặc biệt, không nên chăm sóc móng thường xuyên vì dễ làm tổn thương vùng da quanh móng, khoảng 10 ngày một lần là phù hợp.

Giá cả làm nails tại Sài Gòn thay đổi tùy từng tiệm, tùy mức sang trọng hay bình dân và mức độ đầu tư thiết bị. Giá làm toàn bộ móng: từ vệ sinh, làm móng tay, chân (Manicure Pedicure), vẽ móng tay (Nails Aris), đắp móng bột (Arcylic Tips)… khoảng 20.000 đến 250.000 VNĐ/lần (gần $1 đô rưỡi-$16).

Đâu cũng thế - Ở Mỹ hay tại VN: Nghề của sự tỉ mỉ và “buôn” chuyện

Tính chuyên nghiệp và lành nghề của người thợ nail thể hiện trong từng bước từ vệ sinh móng đến việc sơn móng. Nhất là cách thể hiện những design tinh xảo lên móng theo yêu cầu của khách hàng.

Trong từng động tác, người thợ đều hết sức nhẹ nhàng và chính xác cao. Để vệ sinh móng, cắt da, giũa móng và sơn móng chỉ mất từ 30-45 phút. Nhưng để làm đẹp cả 20 ngón tay, chân theo đúng yêu cầu của khách, thời gian có thể đến 2 tiếng đồng hồ.

Nghề nail đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Sự yêu nghề không chưa đủ, sức chịu đựng cần phải cao. Hàng ngày cầm không biết bao nhiêu bàn tay, có những bàn tay mềm mại dễ thương, có những bàn tay “không được vệ sinh cho lắm”. Nhưng vượt lên tất cả là lòng yêu nghề. Khi đã xác định đã là một nghề thì người thợ làm Nail luôn tự hào về sản phẩm mình làm ra ngay trên chính bàn tay hoặc chân của khách hàng là một tác phẩm đích thực.

Nghề này hầu như lúc nào cũng ngồi đối diện của khách. Việc đọc được cảm xúc của khách cũng là cách tạo sự thoải mái trong công việc. “Chính vì đối diện với khách hàng nhiều nên gợi mở câu chuyện để giữa người thợ làm nail và khách là điều rất quan trọng. Trong sự cởi mở, bao nhiêu câu chuyện về cuộc sống xã hội, gia đình cứ trôi qua dần trong thời gian làm móng cho khách. Đôi khi khách quen đến làm móng không chỉ có nhu cầu làm đẹp về móng mà họ còn đến đây để tìm được sự chia sẻ, giải toả”. Chị Sương (7 năm kinh nghiệm trong nghề làm nail ở Mỹ và Việt Nam) tâm sự.

Người thợ nails bắt đầu lưu ý đến vấn đề vệ sinh

Khách hàng đi làm nails tại Việt Nam nay cũng đã bắt đầu lưu ý đến vấn đề vệ sinh móng và bộ đồ nghề làm nails của người thợ.

Chị Thủy, thợ làm nails tại một tiệm khá sang trọng tại quận 1 cho biết về những nhận xét của mình về vấn đề vệ sinh khi làm móng như sau: “Trong kẽ móng có rất nhiều bụi bẩn khiến vi khuẩn phát triển mạnh. Chỉ cần bất cẩn trong việc cắt da tay, chân, người được làm nail rất dễ bị rách da. Cho dù bộ đồ nghề cắt da, tỉa móng đã được ngâm nước nóng và thuốc sát trùng nhưng những sự cố xước da chảy máu dễ nảy sinh nhiều vấn đề phiền phức. Không giống như cắt tóc, mỗi khi cạo râu, da mặt người thợ thường thay mới lưỡi dao cạo, bộ kèm giũa sau khi làm xong sẽ được vệ sinh và làm cho người tiếp theo.

Chị Hoa, một khách hàng đi làm nails cho hay: “Lần ấy tôi đi làm móng để đi ăn cưới. Đến cửa hàng do một người bạn giới thiệu, khách đông quá, một người thợ học việc trẻ đã sơn móng cho tôi. Do sơ ý cô ta đã làm tay tôi chảy máu. Sau khi được sát trùng tôi thấy không đau lắm nhưng về nhà tôi cứ lo lắng không yên vì sợ bị nhiễm bệnh SIDA [tức AIDS], báo hại tôi phải đi thử máu tốn mấy trăm ngàn, may mà không sao cả”.

Ngành nails tại Việt Nam cần được chuyên nghiệp hóa

 Ngành nails tại Việt Nam phát triển theo kiểu bộc phát và hiện không được kiểm soát chặt chẽ từ việc đào tạo cho đến các biện pháp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng khi đi làm nails. Tại Việt Nam chưa có một ban ngành riêng cho ngành thẩm mỹ như tại Mỹ hầu kiểm soát việc cấp bằng hành nghề cũng như hoạt động kinh doanh trong ngành. Thiết nghĩ nếu tất cả các bạn làm nails bên Việt Nam được đào tạo chuyên ngành theo giáo trình của Mỹ hoặc nước ngoài và hoạt động một cách chuyên nghiệp như bên đây thì chắc chắn với sự tỉ mỉ và khéo tay của người thợ nails, ngành nails Việt tại quê nhà sẽ còn tiến xa và mạnh không kém gì so với những nhà làm móng chuyên nghiệp tại Mỹ.

(Nguồn:.hangchatluong.com)

Last modified on Friday, 19 May 2017 11:21
Đánh giá bài viết
(1 Vote)
Lượt đọc 13684 lượt

Bài mới Móng đẹp

Bài viết liên quan