Vào thời điểm sơ khai, đen là màu sắc được mọi người ưa chuộng và những người nhuộm màu móng tay đầu tiên là đàn ông chứ không phải phụ nữ. Các chiến binh Babylon sẽ dành vài giờ để nhuộm và uốn tóc. Họ cắt sửa móng tay cẩn thận và sơn màu cho chúng. Màu môi cũng được nhuộm cho hợp với màu móng tay.
Trong những cổ vật mà các nhà khảo cổ học đã tìm được thuộc về nền văn minh Babylon có một bộ làm móng tay bằng vàng khối. Thứ người ta dùng để nhuộm màu móng tay được gọi là kohl, làm từ stibnite là hợp chất sulfua antimo. Các chuyên gia cho rằng nó đã được sử dụng vào năm 3200 Trước công nguyên.
Trung Quốc vào khoảng 3000 năm trước công nguyên, tầng lớp quý tộc nơi đây đã có nhu cầu làm đẹp móng tay. Họ kết hợp lòng trắng trứng, sáp ong, nhựa cây và cánh hoa để tạo ra một hỗn hợp rồi ngâm móng tay trong nhiều giờ để đạt hiệu quả mong muốn. Quá trình này được dành riêng cho tầng lớp thượng lưu. Màu móng ở thời kỳ này để tượng trưng cho quyền lực và sự giàu có. Màu sắc được ưa chuộng thường là màu bạc hoặc vàng. Sự khác biệt giữa Trung Quốc và các nền văn minh cổ đại khác là sản phẩm này không dành cho những người dân thường. Một số văn tịch cổ còn lưu lại tới ngày nay cho biết người dân sẽ bị giam giữ nếu bị phát hiện dùng sơn móng tay.
Từ thời Ai Cập cổ đại, tầng lớp quý tộc đã chuộng cách nhuộm màu móng tay để thể hiện đẳng cấp. Nữ hoàng Nefertiti được cho là đã sơn móng tay của mình với màu hồng ngọc còn nữ hoàng Cleopatra thì là màu đỏ tươi. Người sở hữu màu móng càng đậm thì càng có quyền lực trong xã hội.
Thời kì Inca (năm 1200 - 1500) được cho rằng là giai đoạn con người phát minh ra nghệ thuật vẽ móng. Họ trang trí đầu móng với những hình đại bàng. Sau thời kỳ này, chung số phận với nhiều sản phẩm mỹ phẩm khác, sơn móng tay biến mất khỏi thời trang châu Âu từ sự sụp đổ của Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ 5 rồi lại đột ngột xuất hiện vào thế kỷ thứ 9.
Đầu thế kỷ 19 tại Anh, trong thời kỳ Victoria, giữ sạch móng tay còn quan trọng hơn cả làm đẹp dẫn đến sơn móng tay thời kỳ này chỉ còn là tô đỏ móng.
Năm 1920 là thời điểm người ta phát minh ra loại sơn dùng cho xe hơi và đây cũng được xem như mốc ra đời của sơn móng tay như chúng ta thấy hiện nay. Michelle Menard, làm việc cho Revson aka Revlon được ghi nhận "cha đẻ" của sơn móng tay hiện đại. Lọ sơn đầu tiên được bán vào năm 1932 dưới thương hiệu Revlon. Revlon chỉ sản xuất sơn móng tay trong một thời gian dài, sơn móng của họ đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường thời kỳ đó.
Trong những năm 20 - 30 của thế kỷ trước, sơn móng là thói quen làm đẹp của đông đảo phụ nữ. Tuy nhiên, họ không phủ sơn lên toàn bộ bề móng mà chỉ tô vào vùng màu trắng (hình nửa mặt trăng) ở cạnh dưới của móng tay. Đây được coi là tiền thân của cách vẽ móng Pháp cổ điển sau này.
Năm 1927, một hãng sản xuất mỹ phẩm mang tên Maksymilian Faktorowicz (hay Max) đã mang tới thị trường một lọ nhỏ bằng sứ, bên trong có loại sơn móng tay sắc hồng phớt, gọi là Society Nail Tint và một tuýp nhỏ hơn chứa dung dịch lỏng màu phấn trắng được gọi là Society Nail White. Khi sơn lên bề mặt móng tay, sắc hồng sẽ phai bớt, để lại màu phơn phớt tự nhiên và phần móng dài hơn sẽ mang sắc trắng. Kể từ đó, một kiểu sơn móng tay mới đã ra đời, mà sau này người ta hay goi là sơn móng tay kiểu Pháp, vì độ thanh lịch rất Pháp của nó.
Móng bột acrylic (hay móng tay gel) thực chất là một phát minh của nha sỹ. Nghe có vẻ không liên quan nhưng sự thật là vậy. Vào năm 1950, vị nha sỹ có tên Frederick Slack đã làm bật móng tay trong khi làm việc. Để sửa chữa cho phần móng bị hỏng, ông đã dùng giấy bạc và bột acrylic nha khoa để đắp lại móng. Dù là giả nhưng móng tay của ông trông cũng vẫn đẹp như thật. Sau này, nha sỹ Slack đã cùng với anh trai phát triển và xin cấp bằng sáng chế cho ý tưởng móng tay acrylic của mình. Móng gel giờ đây đã trở nên vô cùng quen thuộc trong lĩnh vực làm móng.
Ngày nay, sơn móng tay đã trở thành một phương pháp làm đẹp độc quyền của phái nữ. Ngành nail ngày nay vô cùng phát triển với những phương pháp làm đẹp, tạo phom và trang trí từ đơn giản đến phức tạp, và được đón nhận ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.